Được học - Phần 1

Được truyền cảm hứng từ quyển sách "Được học" (tựa gốc: Educated) của tác giả và nhà lịch sử học Tara Westover, quyển sách "Những kẻ xuất chúng" (tựa gốc: Outliers) và podcast "Revisionist History" của nhà báo và tác giả sách Malcolm Gladwell, và rất nhiều câu chuyện về khát vọng được học mà mình được nghe kể trong suốt những năm qua, mình mong chuỗi bài viết này mang lại những suy ngẫm mới cho bạn. Để từ đó chúng ta có thể cùng đặt câu hỏi cho việc phát triển giáo dục trong tương lai.

Cover image
Chủ đề

Giáo dục cá nhân

Viết bởi

Châu

Ngày đăng

15.2.2023

Ngày còn nhỏ, má luôn bảo với hai chị em mình rằng giáo dục là chìa khóa cho tương lai. Má luôn kể những câu chuyện quen thuộc về lúc còn nhỏ má thích đi học đến cỡ nào, và má luôn là một trong những học sinh giỏi nhất khối lúc còn ở trường Tiểu học. Vậy mà lúc tốt nghiệp lớp 5, chuẩn bị chuyển sang lớp 6, gia đình không cho má đi học nữa. Má nói lúc đó cô giáo đến tận nhà xin ngoại, bảo là trường sẽ tài trợ tiền học, tiền sách vở đồng phục. Ngoại nghe xong bảo má: “Con ơi, nhà mình nghèo lắm. Con đi học thì ai phụ gia đình kiếm tiền đi chợ nuôi bốn đứa em?” Má nhìn sang dì Út còn ẵm trên tay, rồi bảo ngoại là thôi con không đi học nữa. Thế là năm 14 tuổi, má bắt đầu đi buôn ở chợ, làm lụng tích góp cho gia đình, để dành tiền nuôi mấy đứa em ăn học. Cuối cùng chỉ có duy nhất một dì học đến năm lớp 11, rồi cũng đành bỏ học chữ để đi học nghề may. Giấc mơ đi học của mấy anh chị em má cứ thế đã gác lại.

Lớn lên với những câu chuyện của má, mình càng khao khát học. Mỗi khi hè tới, ngoài những lúc bán buôn, dọn hàng phụ má, mình chui vào phía sau sạp quần áo đọc. Mùi sách cũ, sách mới lẫn cùng với mùi rau củ, thịt cá, mùi hăng hắc của rác và nước thải sau mỗi buổi họp chợ. Sau này khi công việc bán hàng của má bận hơn, mình dành cả thời gian sau giờ học, cuối tuần, hoặc dịp lễ tết ở chợ. Mấy chồng hàng cao ngất trở thành bàn học, nơi mà bài tập được hoàn thành dưới cái bóng đèn mập mờ treo trên nóc giang hàng, tiếng bút máy lẫn với tiếng rao bán, trả giá, cười nói, đôi khi là cãi vã ở chợ. Má luôn để mình học trong những lúc như thế. Có lẽ vì mấy mươi năm qua, má thấy nhiều đứa nhỏ khác cũng lớn lên ở chợ, đi bán hàng rong, bán vé số, đánh giày, hay phụ gia đình ở sạp rau củ, quần áo, hàng gạo, muối, nhang. Để rồi vì miếng ăn và sự xô bồ ở chợ mà tụi nó không còn mặc đồng phục, mà thay vào đó xắn tay áo, ống quần như ba má chúng nó để tiếp tục kế sinh nhai.

Có lẽ là má muốn mình biết cách kiếm tiền bằng sức lao động, nhưng cũng muốn mình lớn lên không phải cơ cực như má và mấy dì ngày xưa. Cái tương lai mà việc học hứa hẹn sẽ đem lại, mặc dù má không biết nó là gì và sẽ như thế nào, vì má chưa từng được trao cho cơ hội để theo đuổi nó, nhưng trong hình dung của má luôn sáng lạn và nhiều hy vọng hơn. Mãi sau này, khi đã được học ở rất nhiều nơi trên thế giới, ở những góc bàn, thư viện yên tĩnh, với thiết bị hiện đại và ánh đèn sáng tỏ, mình vẫn luôn nghĩ về những trải nghiệm lúc còn nhỏ. Mình nhận ra sự mong manh của ước mơ ngày đó và vô vàn may mắn đã giúp mình đi qua được chặng đường dài đến hôm nay. Nếu mình sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn hơn, nếu gia đình mình không hòa thuận, nếu ba má không cổ vũ việc mình đi học, nếu mình không nhận được sự giúp đỡ của bạn bè, thầy cô, và vô số người tốt khác. Những ký ức và suy nghĩ này luôn thôi thúc mình quan sát và đặt câu hỏi nhiều hơn về việc đi học và những rào cản của nó.

Còn nhớ mùa hè năm 2017, lúc mình khăn gói sang Ấn Độ để thực tập tại tổ chức Akshaya Patra, một tổ chức cung cấp bữa ăn trưa nhằm khuyến khích trẻ em đi học. Khi mình hỏi chị sếp về cách tiếp cận và giải pháp của tổ chức, chị đã giải thích rằng ở Ấn Độ, vì đói nghèo mà hàng triệu trẻ em không thể đến trường. Vì vậy mà từ năm 2000, tổ chức Akshaya Patra đã nỗ lực để cung cấp bữa ăn trưa đầy đủ dưỡng chất cho hơn 2 triệu trẻ em 22,367 trường học tại 15 bang trên khắp đất nước. Nhờ những bữa ăn này mà tỉ lệ đến trường của các em đã tăng 11.6% (theo báo cáo của AC Nielsen Org Marg Pvt Ltd, Mumbai vào năm 2006). Hơn hết, việc được ăn một bữa trưa đầy đủ dưỡng chất đã giúp tăng khả năng tập trung chú ý, cải thiện kết quả toàn diện và sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của các em. Có thể nói, chính việc no bụng là yếu tố quyết định việc các em đi học và theo đuổi việc học xa hơn.

Khi được đi thực tế tại các bếp nấu của Akshaya Patra, theo chân các đồng nghiệp và tình nguyện viên đến các trường học ở Bengaluru vào giờ ăn trưa để phục vụ bữa ăn, cùng ngồi theo hàng, lắng nghe tiếng nói cười giòn tan của các em nhỏ. Mình nhớ mãi niềm vui trong mắt các em khi được hỏi bữa ăn hôm nay có ngon không, các em đi học có vui không. Từ sau khi kết thúc kỳ thực tập, mình vẫn thường xuyên theo dõi các chương trình của Akshaya Patra và thực sự lo lắng vì trong những năm vừa qua, đại dịch đã khiến trường học ở khắp nơi trên thế giới phải đóng cửa. Điều này đồng nghĩa với việc hàng triệu trẻ em tại Ấn Độ sẽ phải đối mặt với nạn đói và suy dinh dưỡng, bên cạnh dịch bệnh và những vấn đề xã hội khác. Vậy thì dù cho trường học có dạy trực tuyến và hỗ trợ cả thiết bị điện tử cùng internet đi nữa, các em cũng không thể nào tiếp tục việc học được. Khoảng cách xã hội vì vậy mà càng rộng hơn, khi cơ hội thoát đói nghèo của các em giờ đây hẹp dần theo từng bữa phải nhịn ăn, từng giờ học mất đi.

Đói nghèo không chỉ là lý do duy nhất ảnh hưởng đến việc đi học của trẻ em trên thế giới. Bài viết này là phần 1 của chuỗi bài viết "Được học" (được đặt theo quyển sách cùng tên) mà mình muốn chia sẻ nhằm thảo luận những rào cản khác nhau của việc học và được học. Những khía cạnh này không mới, nhưng mình nghĩ rằng chúng cần được nhắc lại và phân tích để mở ra cái nhìn đa chiều hơn về giáo dục. Đối với mình, đây là một chủ đề mang tính xã hội và cá nhân rất cao. Mình tự hỏi vậy thì các chương trình phát triển giáo dục, học bổng, và cơ hội học tập được lên kế hoạch và vận hành có xem xét đến các khía cạnh khác ngoài nội dung, phương thức, và hình thức giảng dạy, mô hình trường học đủ sâu và rộng hay chưa?

Được truyền cảm hứng từ quyển sách "Được học" (tựa gốc: Educated) của tác giả và nhà lịch sử học Tara Westover, quyển sách "Những kẻ xuất chúng" (tựa gốc: Outliers) và podcast "Revisionist History" của nhà báo và tác giả sách Malcolm Gladwell, và rất nhiều câu chuyện về khát vọng được học mà mình được nghe kể trong suốt những năm qua, mình mong chuỗi bài viết này mang lại những suy ngẫm mới cho bạn. Để từ đó chúng ta có thể cùng đặt câu hỏi cho việc phát triển giáo dục trong tương lai.