Giáo dục hướng đến tự do - Chuyến đi đến Bắc Triều Tiên

“Nếu con người có thể sống yên ổn trong một chiếc bọc, liệu họ có cần phải biết về thế giới xung quanh?”

Cover image
Chủ đề

Xã hội và giáo dục

Viết bởi

Duyên

Ngày đăng

20.3.2023

Câu hỏi của cô bạn thân người Malaysia sau chuyến đi Bắc Triều Tiên khiến mình nghĩ mãi về giáo dục dưới ảnh hưởng của chính trị, về sự tự do và cả sự giam cầm mà chính giáo dục có thể mang lại cho con người. Năm 2016, bạn mình đã đăng ký 1 chuyến tham quan ngắn ngày đến Bắc Triều Tiên. Chuyến đi vỏn vẹn 5 ngày được Eastern Vision tổ chức với sứ mệnh kết nối sinh viên từ các trường đại học với những quốc gia bị cô lập trên thế giới do tình hình chính trị bạo động hoặc rủi ro chiến tranh. Trong số đó có Bắc Triều Tiên, một trong những quốc gia khép kín và bí ẩn nhất trên thế giới, nơi có thể có đi mà không có về.

Từ tờ mờ sáng, bạn mình lên đường từ Hồng Kông bay sang Bắc Kinh, rồi từ đó đi tàu qua biên giới Bắc Triều Tiên. Phải mất đến 2 tiếng đồng hồ nhóm sinh viên mới qua được trạm kiểm soát. Tất cả giấy tờ sách vở đều phải để lại. Trong hành trình, nhóm sinh viên sẽ tham quan tổng cộng 4 thành phố: Pyoungyang (thủ đô Bình Nhưỡng), Pyongsong, Nampo và Kaesong.

“Bình thường đến khó tin”

Cô bạn mình đến nơi này với vô số mặc định trong đầu để rồi phải thốt lên “bình thường đến khó tin”!. Một trong những điều làm cô bạn mình ngạc nhiên nhất ở Bắc Triều Tiên chính là ngôi trường trung học cả đoàn ghé thăm ở thành phố Pyongsong với đầy đủ cơ sở vật chất tiện nghi: phòng tập thể dục, hồ bơi và phòng tin học. Thật khó mà tin được những gì trước mắt so với hình ảnh Bắc Triều Tiên qua báo đài (*) là một đất nước nghèo khó với nền kinh tế bấp bênh, nguồn điện thiếu hụt và nạn đói rải rác. Ngoài việc tham quan trường, nhóm sinh viên được sắp xếp dự giờ một lớp học tiếng Anh và có tầm 5 phút đối thoại trực tiếp với các em học sinh.

Khi được hỏi sau này các em muốn làm gì, một em trai đã dõng dạc trả lời “Lớn lên em muốn trở thành cầu thủ bóng đá để làm rạng danh đất nước.” Cả nhóm gần như lặng đi vài giây bởi trong giọng nói của em trai toát lên vẻ nghiêm túc lạ thường. Theo TedTalk về những người trốn thoát khỏi Bắc Triều Tiên, những đứa trẻ sinh ra ở đây được dạy phải hy sinh cho đất nước, cho mục tiêu chung và cho Lãnh Tụ của họ. Tư tưởng này dường như được thấm nhuần, đến cả một người dân trong Thư Viện Quốc Gia sau đó cũng đã rất cố gắng bập bẹ tiếng Anh để nói với cô bạn mình ước mơ của anh ấy là trở thành cầu thủ đại diện cho quốc gia ở World Cup.

Nói đến thư viện quốc gia, theo lời kể của anh hướng dẫn viên, đây là nơi dành cho những người dân lao động quá tuổi đi học bồi dưỡng chương trình đại học hoặc kỹ năng cần thiết cho công việc. Theo dữ liệu được UNESCO báo cáo theo công bố của phía Bắc Triều Tiên, giáo dục bậc tiểu học và trung học (kéo dài từ 6 đến 16 tuổi) là bắt buộc và miễn phí. Tỷ lệ người dân trên 15 tuổi biết đọc vào tầm 98-100%, thuộc dạng cao nhất nhì thế giới.

Cũng giống như trải nghiệm của bạn mình, phim tài liệu “Tham quan Bắc Triều Tiên” của đài Deutsche Welle (DW) ở Đức đã đặc tả rất nhiều cảnh sinh hoạt của người dân nơi đây và đưa đến một góc nhìn thân thiện, nhân văn về họ (trích từ bình luận của người xem “friendly”, “touching humanistic view”). Bỏ ngoài những tranh cãi về chính trị, người dân ở Bắc Triều Tiên dường như có cuộc sống bình thường, hàng ngày đi làm, học tập và có những ước mơ cho tương lai.

Cái nắm tay của hai đứa bé

Bức ảnh mình ấn tượng nhất từ chuyến đi có lẽ là tấm hình hai bé trai tầm 7-8 tuổi nắm tay tung tăng đi ngoài đường một buổi chiều tan học được chụp lại từ chiếc điện thoại cũ. Trong ảnh, hai bé trai vừa ngơ ngác vừa ngại ngùng không rõ các anh chị này là ai, nói thứ tiếng gì, tại sao lại xin chụp ảnh chung. Trong đôi mắt đen láy của hai em dường như có chút háo hức lần đầu thấy người ngoại quốc tóc vàng mắt xanh. Cái nắm tay của hai đứa trẻ giữa chiều tàn phảng phất một tình bạn thật ngây ngô và đáng yêu. Cái nắm tay khiến cho cô bạn mình cảm thấy thật gần gũi giữa một đất nước xa lạ. Nó gieo cho bạn mình một tia hy vọng: nếu người dân ở đây có thể sống yên ổn trong một chiếc bọc, liệu họ có cần phải biết về thế giới xung quanh?

Giáo dục phải hướng đến tự do?

Câu hỏi đó có lẽ không chỉ cô bạn mình mà chính những người dân Bắc Triều Tiên cũng tự đặt ra cho bản thân. Mỗi năm ước tính có hơn 1000 người chạy trốn khỏi đất nước này (theo Brussels Morning) với khát vọng được thoát khỏi đói nghèo và biết về thế giới bên ngoài. Trong bài thuyết trình ở TedTalk, Yeonmi đã nói về những điều cô học được sau khi trốn thoát khỏi Bắc Triều Tiên. Một trong số đó là định nghĩa về tình yêu. Ở Bắc Triều Tiên, không có khái niệm tình yêu đôi lứa, “tình yêu” chỉ có một ý nghĩa duy nhất: tình yêu dành cho Lãnh Tụ. Nếu không được dạy về khái niệm tình yêu lãng mạn, sẽ rất khó để cho bất kỳ ai hình dung ra sự tồn tại của nó. Tương tự, còn rất nhiều khái niệm khác, về sự tự do, khoa học, nghệ thuật, văn chương, chính trị, v.v., mà nếu không được học thì có lẽ không ai trong chúng ta có thể hiểu được. Giới hạn về hiểu biết sẽ ảnh hưởng thế nào đến sự lựa chọn của con người? Liệu trong một thế giới khác với nhiều lựa chọn hơn, em học sinh bạn mình gặp có tiếp tục muốn làm cầu thủ bóng đá? Và nếu vẫn như vậy, liệu có phải vì lợi ích quốc gia nữa không?

Những câu chuyện trên giúp mình nhận ra mục đích quan trọng đằng sau giáo dục. Giáo dục có thể cho con người sự tự do nhưng cũng có thể kiềm hãm họ trong khối óc của mình. Sự tự do đó đến từ việc chúng ta được học về một thế giới quan đa màu, biết về những khả năng có thể xảy ra và hiểu rằng bản thân có sự lựa chọn. Khi không được học hoặc chỉ được học một phần của bức tranh, chúng ta sẽ mất đi một cơ hội để chiêm nghiệm sự sâu sắc của bức tranh tổng thể. Nói một cách lớn lao hơn, chúng ta mất đi khả năng khám phá những phiên bản khác, và có lẽ là phiên bản tốt nhất của bản thân. Giống như Yeonmi, giờ đây khi hiểu được ý nghĩa đầy đủ nhất của tình yêu, cô sẽ có thể khám phá những cảm xúc mà trước đó mình chưa từng có.

Quay lại câu hỏi của cô bạn về người dân ở Bắc Triều Tiên, mình chợt thấy sự tương đồng với nhân vật Neo trong bộ phim khoa học viễn tưởng Ma Trận khi anh được Morpheus cho lựa chọn giữa viên thuốc xanh và đỏ. Xanh để ở lại thế giới ảo, sống trong sự bình thường được tạo ra và kiểm soát bởi Ma Trận. Ngược lại, viên thuốc đỏ sẽ cho anh cơ hội để thoát khỏi thế giới đó và tìm đến sự thật khắc nghiệt và trần trụi. Neo chọn viên thuốc màu đỏ vì anh tin rằng sự thật sẽ dẫn anh đến với lựa chọn đúng đắn nhất, để tự mình tạo dựng một thế giới tốt đẹp hơn.

Nếu là bạn, bạn sẽ chọn gì?

Tài liệu tham khảo thêm

  1. Dữ liệu của UNESCO về tỷ lệ dân biết đọc trên 15 tuổi: https://data.worldbank.org/indicator/SE.ADT.LITR.ZS...

  2. Phim tài liệu Tham quan Bắc Triều của DW Documentary: https://www.youtube.com/watch?v=reEZn3mJ-Fo

  3. Yeonmi Park nói về Những điều tôi học được về sự tự do sau khi trốn thoát khỏi Bắc Triều Tiên (có phụ đề tiếng Việt): https://www.ted.com/.../yeonmi_park_what_i_learned_about...

  4. Hyeonseo Lee nói về Trốn thoát khỏi Bắc Triều Tiên trên TedTalk (có phụ đề tiếng Việt): https://www.ted.com/.../hyeonseo_lee_my_escape_from_north...

  5. Brussels Morning về Có bao nhiêu người trốn thoát khỏi Bắc Triều Tiên (và Vì sao)?: https://brusselsmorning.com/how-many-people.../29679/....

  6. (*) báo đài ở đây bao gồm phim tài liệu, sách và báo chí, một vài ví dụ điển hình như sách Dear Leader: My Escape from North Korea của Jang Jin-Sung, The Wall Street Journal, The Guardian, v.v.v.