Lớp học trên cây

“Mỗi đứa trẻ là một triết gia.” - Scott Hershovitz

Cover image
Chủ đề

Xã hội và giáo dục

Viết bởi

Duyên

Ngày đăng

18.6.2023

Mình nói chuyện với Giang lần đầu tiên qua một cuộc điện thoại khuya gần nửa đêm. Hai đứa mình cách nhau 8 tiếng đồng hồ giữa Seattle và London. Dù chưa bao giờ nói chuyện trước đó, chúng mình kết nối rất nhanh có lẽ một phần vì tụi mình cùng học chung trường cấp ba nhưng hơn cả, vì cuộc đối thoại xoay quanh chủ đề cả hai đứa mình đều quan tâm: một dự án lớp học trò chuyện về triết học với các em nhỏ xuất phát từ luận án tốt nghiệp Thạc sĩ Giáo dục ở Pháp của Giang.

Triết học vốn là bộ môn đặt nền tảng cho các môn khoa học khác nhưng lại thường chỉ được dạy ở Việt Nam qua triết học chính trị (một nhánh của triết học) ở năm nhất đại học. Khi nhắc đến triết, chúng ta thường nghĩ đến những khái niệm hàn lâm với cách giải nghĩa khô khan và khó hiểu. Năm hai đại học ở nước ngoài, mình suýt nữa đã chọn chuyên ngành phụ là Triết học vì quá thích một lớp triết ở trường lúc ấy và mình đặc biệt thích giáo dục mầm non nên không thể bỏ qua một dự án quá dễ thương và ý nghĩa này.

Mỗi đứa trẻ là một triết gia

Thử ngẫm nghĩ một chút về cậu nhóc hàng xóm, đứa cháu họ, hay chính bản thân chúng mình ngày nhỏ, có phải chúng mình từng đặt rất nhiều câu hỏi về mọi thứ xung quanh, từng tròn xoe đôi mắt, há hốc miệng ô a tìm hiểu về thế giới tưởng chừng không ngừng vận động xoay chuyển quanh mình. Đặt câu hỏi có lẽ là thứ “vũ khí kỳ diệu” mỗi đứa trẻ sở hữu một cách tự nhiên để nắm bắt thế giới xung quanh rồi từng bước vén màn những điều mới lạ. Khi đứa trẻ trong chúng mình dần dà lớn lên, mọi thứ xung quanh bỗng trở nên quá đỗi quen thuộc. Đó là chưa kể chúng mình có thể dễ dàng có đáp án cho mọi câu hỏi qua công cụ tìm kiếm hiện đại như Google và giờ là ChatGPT, rồi mất dần hứng thú cũng như kỹ năng khám phá tìm tòi.

Điểm giống nhau giữa một triết gia và một đứa trẻ có lẽ nằm ở đây, ở đặc tính tò mò khám phá đến lúc có thể hiểu cặn kẽ gốc rễ mới thôi. “Hạnh phúc là gì?”, “Làm cách nào để hạnh phúc?”, “Cái chết là gì?” “Vì sao người ta sợ chết”, v.v. Những triết gia lừng danh như Socrates, Plato, hay Aristotle đã đặt nền móng cho triết học phương tây từ việc không ngừng đặt câu hỏi về vạn vật xung quanh và tìm kiếm câu trả lời qua trải nghiệm của chính bản thân mình và của những người xung quanh. Những câu hỏi nhìn đơn giản, khi đi đến tận cùng bản chất vấn đề, lại có thể giải đáp những điều lớn lao trong cuộc sống. Lấy ví dụ về Aristotle, câu hỏi về khái niệm hạnh phúc đã dẫn ông đến ý nghĩa cuộc sống và cách sống trọn vẹn nhất.

Lớp học trên cây và vai trò của Triết học trong Giáo dục

Quay lại Lớp học trên cây, “leo dây thang cùng em” là cách gọi dễ thương mà các cô giáo nói về phương thức đối thoại cùng các em. Với cách truyền đạt tự nhiên, nhẹ nhàng và có phần dí dỏm, các “cô Thợ Xây” dẫn dắt các “Triết gia tập sự” trả lời từ những câu hỏi bao quát đến những câu hỏi cụ thể, từ “Gia đình là gì?” đến “Vai trò của mỗi thành viên trong gia đình em?” hay từ “Em là ai?” đến “Điều gì khiến em là em?”. Mỗi gia đình có một cách vận hành riêng cũng như các em nhỏ là những bản thể rất riêng, nhưng các em sẽ học cách chia sẻ và lắng nghe để hiểu thêm về những cái chung cũng như những cái riêng của chính mình.

“Lớp học trên cây” thực sự là điều mình ước có trong những năm tháng học tập ở nhà trường. Là nơi mình có thể đối thoại để hiểu về bản thân và thông suốt về thế giới muôn màu. Là nơi mình học cách tiếp cận và xây dựng những lập luận thuyết phục về mọi vấn đề trong cuộc sống. Bởi vì hơn cả việc truyền đạt kiến thức, giáo dục hướng cho chúng ta cách đặt câu hỏi và suy nghĩ thấu đáo đa chiều. Đây chắc hẳn không chỉ là ước muốn của riêng mình vì 100% học sinh tham gia Lớp học trên cây đều đăng ký học khóa học tiếp theo chỉ đơn giản vì “các em rất thích lớp học và các cô”.

💡

Bài học từ triết lý giáo dục của phương Tây

“Philosophy for Children” (P4C, tạm dịch là Triết học cho Trẻ em) là phương pháp sư phạm đối thoại được giáo sư triết học Matthew Lipman nghiên cứu từ năm 1970 và UNESCO đề xuất áp dụng với các quốc gia trên thế giới từ năm 1997. P4C giúp giáo viên hướng các em phát triển “cách học” qua 4 kỹ năng cốt lõi: caring (quan tâm), collaborative (phối hợp/làm việc nhóm), critical (lập luận) và creative (sáng tạo). Trong quá trình đối thoại với người lớn và các bạn nhỏ khác, các em học cách lắng nghe, chia sẻ ý kiến, lập luận logic qua dẫn chứng và sáng tạo các góc nhìn mới.

Nghe Giang kể về những nghiên cứu của cô bạn về triết lý giáo dục ẩn đằng sau Lớp học trên cây, mình nhận ra châu Âu có lẽ là châu lục đi đầu trong triết lý giáo dục. Ở đây, mặc dù Triết học chỉ được chính thức đưa vào giảng dạy từ cuối trung học nhưng phương pháp luyện tập suy nghĩ theo hướng Triết và đối thoại với người lớn đã được ứng dụng từ cấp tiểu học. Mục tiêu để khơi dậy niềm ham học và phát triển con người một cách toàn diện được thể hiện qua cách các cô Thợ Xây lên giáo án và sắp xếp lớp học. Cách bố trí ngồi thành vòng tròn thay vì hướng về phía bảng lớn giúp các bạn nhỏ dễ dàng lắng nghe nhau, và cô giáo giờ đây chỉ là người điều phối thay vì dẫn dắt cả cuộc đối thoại.

Kết thúc cuộc gọi, mình hỏi Giang điều gì là khó khăn nhất để phát triển một mô hình như Lớp học trên cây, mô hình mà mình nghĩ giáo dục Việt Nam đang còn thiếu. Cô bạn không ngần ngại chia sẻ ngay chính là đội ngũ “Thợ Xây” Giang may mắn kết nối được. Muốn leo thang cùng các em nhỏ, những người Thợ Xây không chỉ cần kỹ năng truyền đạt, mà còn cần một vốn sống phong phú và ngọn lửa với nghề.

Nếu đã đọc đến đây, lần tới khi bạn nghe một câu hỏi ngẫu nhiên của một đứa trẻ, hãy thử tưởng tượng đó là một “Triết gia tập sự” đang gỡ rối thế giới quay mòng. Bạn phải chăng cũng vừa trở thành một người Thợ Xây?

Nguồn tham khảo thêm:

  1. Lớp học Trên Cây: https://www.facebook.com/lophoctrencay

  2. UNESCO về Dạy triết học ở châu Âu và Bắc Mỹ: https://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/pf0000214089

  3. TEDxOverlake - Giáo sư Sara Goering về Triết học cho trẻ em: Khơi dậy niềm yêu thích học tập: https://www.youtube.com/watch?v=7DLzXAjscXk

  4. Sách của Scott Hershovitz - Xấu xí, tàn khốc và ngắn ngủi: Những cuộc phiêu lưu trong triết học với trẻ em: https://www.penguin.co.uk/authors/144311/scott-hershovitz