Trò chuyện về chữ Tiếng Việt cùng Lưu Chữ

Có bao giờ bạn nhìn vào một kiểu chữ và tự hỏi liệu kiểu chữ đó có đang đại diện cho nền văn minh, nền văn hóa nào hay không? Hay trong lúc viết chữ, bạn có bao giờ tự hỏi hỏi là dấu huyền trong từ 'ồ' nên được đặt bên trái, bên phải hay bên trên của dấu 'ô' hay không? Đây là những câu hỏi mà Quốc Huy và Mai Thy, hai thành viên của Lưu Chữ, chia sẻ với chúng mình trong buổi trò chuyện về hành trình đi tìm những “kiểu chữ bị mất” của mình. Con chữ không chỉ gắn kết các thành viên Lưu Chữ với nhau mà còn là nguồn cảm hứng cho việc nghiên cứu và sáng tạo của Quốc Huy và Mai Thy. Cùng chúng mình tìm hiểu về chữ Tiếng Việt qua buổi trò chuyện với Lưu Chữ trong phần 2 của series “Trò chuyện cùng EdLighten” nhé.

Chủ đề

Xã hội và giáo dục

Trò chuyện cùng EdLighten

Viết bởi

Trúc Ngân

Châu

Ngày đăng

16.12.2023

Hai bạn có thể giới thiệu về bản thân, công việc, và những dự án của mình được không?

🧑‍ Anh Quốc Huy:

Anh là Huy, anh theo gia đình lên TP. Hồ Chí Minh sống từ nhỏ. Công việc chính của anh là nhà thiết kế tự do, thường lĩnh vực tập trung vào sẽ liên quan đến định vị, xây dựng thương hiệu và các thiết kế in ấn. Cũng như Thy, ngoài thời gian cho công việc chính và gia đình, anh dành một ít cho sở thích chung là tìm hiểu về chữ. Thi thoảng anh sẽ đến cửa hàng sách cũ để tìm thêm tư liệu hoặc đi thực địa để thu thập thông tin nghiên cứu cho Lưu Chữ.

👩‍ Mai Thy:

Mình đang sống tại Melbourne, Úc. Công việc chính của mình là thiết kế và phát triển website toàn thời gian. Ngoài ra, mình còn đam mê và dành một phần thời gian làm công việc thiết kế phông chữ, đôi khi hỗ trợ các công ty thiết kế chữ trên thế giới, đặc biệt là trong việc thiết kế dấu và ký tự tiếng Việt.

Nguồn: Lưu Chữ cho EdLighten

Được biết hai bạn, cùng những thành viên khác đã đồng hành cùng Lưu Chữ (LC) từ rất lâu. Hai bạn có thể chia sẻ thêm cho chúng mình về quá trình thành lập, phát triển của LC và mục tiêu tổ chức hướng đến được không?

🧑‍ Anh Quốc Huy:

Ban đầu, Lưu Chữ còn có tên gọi là The Lost Type Vietnam - anh nghĩ lúc đó mục đích đến từ sở thích cá nhân và mong muốn rủ rê những người bạn cùng tham gia sưu tầm các hình ảnh bảng hiệu vẽ tay trên đường phố thông qua hashtag của instagram #thelosttypevietnam.

Trong phần trả lời của câu số 6, anh có nhắc đến việc thay đổi định hướng của dự án kể từ sau chuyến đi đầu tiên. Đó cũng là thời điểm mà Lưu Chữ có sự tham gia của các thành viên cho đến ngày hôm nay. Mỗi thành viên, với anh như một mảnh ghép quan trọng và là động lực thức đẩy cho Lưu Chữ chạy mặc dù thỉnh thoảng tụi anh vẫn hay đi bộ hoặc ngồi yên một chỗ.

Là người rủ mọi người cùng tham gia, anh luôn mong Lưu Chữ là nơi tụi anh có thể tìm đến để cùng làm những công việc mình thích sau đời sống hằng ngày. Còn mục tiêu dài hạn là sẽ có nhiều hoạt động trực tiếp, có thể tạo ra cơ hội đối thoại về chủ đề mà Lưu Chữ quan tâm với các bạn có cùng sở thích. Mong một ngày, Lưu Chữ có thể có toàn thời gian - fulltime làm những việc mà mình thích này.

EdLighten rất muốn tìm hiểu về quá trình trưởng thành của anh Huy và Thy song song với LC. Làm cách nào các bạn đã tìm ra con đường mình muốn đi? Và với động lực nào hai bạn đã tìm đến và gắn bó với LC đến bây giờ?

🧑‍ Anh Quốc Huy:

Tuổi thơ của anh là việc hay ngồi trước màn hình tivi được xem các chương trình truyền hình như Em yêu khoa học, Thể giới đó đây, Vui để học… để đến khi đi học anh thấy mình có sở thích tò mò  dành cho các môn xã hội như lịch sử, địa lý. Khi lớn hơn một chút nữa, anh nhận ra mình thích vẽ, thế là kết hợp lại thì anh chọn cho mình sẽ theo học thiết kế đồ họa.

Khi ra trường thì các công việc liên quan đến Typography lúc bấy giờ chưa được phổ biến. Nên anh bắt đầu theo đuổi chữ để nó trở thành thói quen và làm mục tiêu cho mình. Lúc có thời gian, anh hay lê la các hiệu sách cũ và ngồi xem tư liệu hình ảnh được lưu trữ trên mạng ngày trước, anh thấy và bị thu hút bởi các bảng hiệu, banner quảng cáo trên đường phố và tự hỏi không biết họ đã làm ra chúng như thế nào, trong một điều kiện hạn hẹp hoặc chưa hiện đại như bây giờ.

Đầu năm 2015, anh may mắn có cơ hội được làm việc tại một studio thiết kế đa quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh. Khi được đồng nghiệp lẫn sếp hỏi về việc mình được học thiết kế ở đây ra sao, điều đặc biệt của đồ họa ở Việt Nam là gì? Điều này thúc đẩy anh một lần nữa đến với việc bắt tay thực hiện Lưu Chữ.

Cũng từ công việc và các buổi nói chuyện nhỏ giới thiệu dự án, anh có cơ hội để gặp các thành viên Lưu Chữ hiện tại, trong đó có Thy là người đầu tiên. Anh nghĩ tụi anh là một nhóm bạn có cùng ‘soulmate’ là chữ và muốn làm gì đó cho chữ Quốc ngữ và các ngôn ngữ khác ở Việt Nam.

👩‍ Mai Thy:

Từ nhỏ lúc nào mình cũng thắc mắc vì sao cùng một chữ cái ‘b’ mà chữ viết in trong sách giáo khoa và chữ viết tay lại khác nhau. Lên đại học mình khá may mắn khi được gia đình ủng hộ và mở lối cho học thiết kế ở RMIT. Trong lúc học thiết kế thì mình bị cuốn vào phông chữ. Thời điểm đó mình thắc mắc vì sao tiếng Việt cũng sử dụng những chữ cái như tiếng Anh và thêm dấu thôi nhưng lại ít phông chữ hỗ trợ tiếng Việt đến thế. Trong lúc học, mình cũng tìm hiểu về bảng hiệu ở Sài Gòn và tình cờ biết đến anh Huy và Lưu Chữ. Vì đam mê với chữ và sự tò mò về lịch sử chữ tiếng Việt mà tụi mình gắn bó với nhau đến bây giờ.

Nguồn: Lưu Chữ cho EdLighten

LC có thể chia sẻ những phát hiện của mình trong quá trình tìm lại những "kiểu chữ đã mất"? Thử thách lớn nhất của team lúc đó là gì?

🧑‍ Anh Quốc Huy:

Anh thấy mỗi lần tìm được một tài liệu quan trọng, tụi anh như tìm được một mảnh của bản đồ kho báu vậy. Thỉnh thoảng việc tìm tài liệu không như mình muốn là đi tìm được. Có những quyển sách, hôm đó tình cờ không có việc gì làm, không có kế hoạch thì lại tìm được chúng.

Các tài liệu về chữ hay các thiết kế mà Lưu Chữ tìm được hầu hết đến từ việc cá nhân sở hữu hoặc người sưu tập đồ cũ họ bán lại. Việc liên lạc để có thể thu thập thêm tư liệu cũng là một việc thử thách tinh thần lẫn kinh tế tài chính (cười).

Gần đây nhất, trong cơ hội đến London, Anh làm việc. Anh và Đức - một thành viên của Lưu Chữ cũng tìm được một quyển sách mà trước đó, mất một năm để liên lạc và cũng không biết được tại sao nó lại ở Anh. Còn về khó khăn, anh nghĩ những ngành/lĩnh vực khác cũng đang phải đối mặt như Lưu Chữ khi tìm hiểu về các chủ đề Văn hoá, lịch sử tại Việt Nam.

Từ góc nhìn của Lưu Chữ, kiểu chữ có mang tính đại diện và đặc trưng cho nền văn hóa / thời đại / giai đoạn lịch sử không? Nếu có thì mẫu chữ đã thể hiện tính đại diện như thế nào? Hai bạn thích mẫu chữ của nền văn hóa/thời đại/giai đoạn lịch sử nào nhất, và tại sao?

🧑‍ Anh Quốc Huy:

Có thể Edlighten đã nghe qua, ngôn ngữ mà ở đây nói riêng là chữ viết được xem là một trong các tiêu chí để những nhà nghiên cứu lịch sử xác định đó có là một nền văn minh, một dân tộc hay không.

Anh nghĩ chữ viết không hẳn đại diện cho một mà có khi là nhiều nền văn hoá / văn minh khi đặt trong một thời điểm cụ thể. Ví dụ như Việt Nam trong giai đoạn trước khi có chữ Quốc ngữ và sau khi có, sẽ khác nhau. Việc là quốc gia duy nhất ở châu Á chọn ký âm bằng bảng chữ cái Latin làm ngôn ngữ chính, bằng cách nào đó tạo ra sự kết nối nhiều với các quốc gia phương Tây gần hơn, so với các quốc gia châu Á khác sử dụng chữ tượng hình.

Một ví dụ khác, văn tự thắt gút - Kipu của người Inca tại Peru, và văn tự thắt gút của người dân tộc Chăm Hrê tại Việt Nam có nhiều nét tương đồng. Thật lạ khi mình biết hai dân tộc cách xa nửa vòng trái đất, từ thời xa xưa lại có sự trùng hợp trong ngôn ngữ như vậy.

Anh thích nhất là văn tự thắt gút này, còn về mẫu chữ thì anh sẽ thích các mẫu chữ ở giai đoạn 60-70 vì tạo hình của các mẫu chữ này lẫn bố cục tự do khi chúng được sử dụng trong các thiết kế cùng giai đoạn.

Nguồn: Lưu Chữ cho EdLighten

Chúng mình thấy Lưu Chữ có những hoạt động kết nối trong nước và quốc tế rất hay. Hai bạn có thể chia sẻ một câu chuyện/trải nghiệm mà mình nhớ nhất khi tham gia các hoạt động này được không?

🧑‍ Anh Quốc Huy:

Trong quá trình hoạt động, cũng là cơ duyên khi được kết nối với các anh chị, các tổ chức liên quan đến thiết kế và văn hoá ở ngoài nước. Với anh, anh nhớ nhất là lần đầu được giới thiệu Lưu Chữ tại Chiang Mai, Thái Lan năm 2017. Buổi hôm đó, Lưu Chữ giới thiệu về nghiên cứu của mình về chợ Bình Tây - một ngôi chợ truyền thống lâu đời, thuộc khu vực quận 6 và quận 5, Tp. Hồ Chí Minh. Chợ có 1437 sạp hàng kinh doanh nhiều mặt hàng. Điểm đặc biệt của chợ là các bảng hiệu quảng cáo được thực hiện bằng tay từ năm 1992 đến nay.

Buổi chia sẻ hôm đó, người đến tham dự đến từ nhiều quốc gia, trong đó có các nước cùng khu vực Đông Nam Á. Có một bác nghiên cứu đã đặt câu hỏi cho anh rằng tiếng Việt hay chữ Quốc ngữ tại Việt Nam đặc biệt, vậy so sánh với các ngôn ngữ trong khu vực thì nó đặc biệt ra sao? Khi đó, anh chưa trả lời được câu hỏi của bác. Cũng chính từ lần gặp gỡ này, anh học hỏi được từ bên ngoài về việc định hướng dự án cũng như có góc nhìn khách quan hơn cho những dự định mà Lưu Chữ muốn được thực hiện trong tương lai.

👩‍ Mai Thy:

Là một thành viên của Counter Forms, một tập thể các thiết kế chữ tại Úc, mình đã có cơ hội tham gia thuyết trình tại Hội chợ sách nghệ thuật Melbourne 2023. Trong buổi thuyết trình này, mình đã giới thiệu về Lưu Chữ và một trong những dự án đặc biệt của tụi mình - nghiên cứu và khám phá về phông chữ Cooper Black tại Việt Nam. Có lẽ các bạn đã từng bắt gặp phông chữ này trong logo của bánh Đức Phát hoặc trên bao bì của bánh cua. Sau buổi thuyết trình, nhiều người tham dự đã ngạc nhiên khi biết rằng phông chữ Cooper Black lại được ưa chuộng và sử dụng phổ biến tại Việt Nam như vậy. Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm, bạn có thể xem thông tin chi tiết tại đây: https://luuchu.com/chuyende/cooperblack.

Nguồn: Lưu Chữ cho EdLighten

Hai bạn có từng “đau đầu” hoặc tâm đắc nhất về một câu hỏi/một vấn đề trong quá trình nghiên cứu về chữ không?

👩‍ Mai Thy:

Một trong những câu hỏi mà mình thường được các nhà thiết kế chữ đặt ra là về việc đặt dấu huyền trong từ 'ồ': liệu nên đặt bên trái, bên phải hay bên trên của dấu 'ô'. Lần đầu tiên mình nhận được câu hỏi này, mình cảm thấy khá thú vị vì trước đó chưa bao giờ nghĩ về vấn đề này. Trong quá trình học từ nhỏ, tụi mình thường được dạy cách viết bên phải, vì phương hướng viết thường theo hướng bên phải nhiều hơn. Nhưng khi được hỏi câu hỏi này, mình thấy nó thực sự là một vấn đề thú vị, và thật ra mình không nhớ liệu có bất kỳ quy tắc chính tả cụ thể nào yêu cầu viết bên phải hay không (cười).

__________________________________________

Website Lưu Chữ: https://luuchu.com/

Kết nối với Quốc Huy: https://www.instagram.com/quoc.huyle/

Kết nối với Mai Thy: https://linktr.ee/mightymaithy