Trò chuyện về phim tài liệu cùng Phim của Quạ
Phim ảnh không đơn thuần mang tính chất giải trí mà vốn là một hình thức nghệ thuật mà ở đó đạo diễn, biên kịch, diễn viên, v.v. truyền tải câu chuyện của chính mình hay của xã hội. Nếu phim giả tưởng được biết đến một cách rộng rãi và có khả năng thu hút phần đông người xem đến rạp chiếu bóng, phim tài liệu lại ít được biết đến hơn. Có lẽ do tính chất thực tế “trần trụi” nhằm ghi lại hiện thực, lịch sử, và mở ra góc nhìn khách quan cho người xem. Vì sự ngưỡng mộ và đam mê dành cho phim tài liệu, EdLighten đã tìm đến Phim của Quạ để trò chuyện cùng Nhân - nhà sản xuất của các phim tài liệu độc lập, trong đó có bộ phim “Tháo Bành Cho Voi” thuộc hạng mục “Official Selection” của giải phim “Tokyo International Monthly Film Festival (2022)”. Cùng chúng mình tìm hiểu về phim tài liệu và những vấn đề xoay quanh việc học và sản xuất thể loại phim này qua cuộc trò chuyện với Nhân và Phim của Quạ nhé!
Trò chuyện cùng EdLighten
Xã hội và giáo dục
14.1.2024
Nguồn: Nhân cho EdLighten
Nhân có thể giới thiệu về bản thân, công việc, và các dự án hiện tại của mình được không?
Mình là Trương Hoàng Nhân, hiện là Nhà sáng lập, Giám đốc sản xuất và Đạo diễn tại Phim của Quạ. Mình hoạt động nghiêm túc trong ngành phim được 5 năm. Phim của Quạ hiện tại có sản xuất phim ngắn, quảng cáo, MV ca nhạc và phim tài liệu.
Dự án mình đang theo đuổi thì có dự án bảo tồn và phục hồi vải thổ cẩm Ede Yarn.
Được biết Nhân có niềm đam mê đặc biệt đối với phim tài liệu. Nhân có thể chia sẻ về lý do Nhân gắn bó với phim tài liệu được không?
Hành trình bắt đầu làm phim với mình chắc phải bắt đầu từ lớp 12 cơ. Thời đấy lên đến cả hết những năm đại học thì mình luôn thích và đam mê với việc làm phim ngắn, phim giả tưởng (fiction).
Tuy nhiên, vì cuộc sống và tuổi thơ mình không thăng không trầm, nó bình thường đến bất ngờ nên mình luôn cảm thấy những nhân vật mình viết trong phim ngắn luôn thiếu chiều sâu, nó hời hợt và ngây ngô nên mình quyết định bắt đầu hành trình đi tìm trải nghiệm sống. Với các bạn khác có thể là đi du học, đi du lịch, chuyển địa điểm sống, còn với mình là đi làm phim tài liệu.
Nguồn: Nhân cho EdLighten
Mình may mắn được sống và học tập trong những môi trường rất tốt nên xung quanh mình luôn có những người bạn rất tài giỏi, họ luôn có những câu chuyện mình cho là đáng được kể nên mình mới bắt đầu những tập phim phim tài liệu “Cơ Đồ” đầu tiên. Chính từ việc tập làm những phim tưởng chừng như vô thưởng vô phạt đó mà nhiều cánh cổng đã mở ra với mình hơn, có nhiều người biết đến Phim của Quạ và mình cũng cảm thấy đây đúng là đam mê của mình - được kể những câu chuyện có thật và đưa nó đến với nhiều người hơn.
Nhân có thể chia sẻ những khó khăn Nhân gặp phải trong quá trình học và làm phim tài liệu không?
Khó khăn lớn nhất mà mình gặp phải là việc thiếu các chương trình học và đào tạo cơ bản và chuyên sâu về phim tài liệu.
Mình học truyền thông đa phương tiện ở Arena Multimedia, sau đó là ở RMIT. Cả 2 chương trình học đều trải nhiều ngành nên không có sự tập trung cao về ngành phim. Những gì mình được học thì rất cơ bản để có thế áp dụng được trong tất cả các trường hợp làm phim, còn những kiến thức chuyên sâu về các thể loại phim thì đều phải tự mày mò. Mình mới biết rằng sự tập trung của phần lớn các tài liệu trong ngành sẽ dành cho phim giả tưởng, các giáo trình, video hướng dẫn đều đa phần phục vụ ngành công nghiệp này.
Còn về phim tài liệu, mình đã tìm trên Youtube, các trang học online nhưng đều rất ít tài liệu dành cho mảng phim tài liệu này. Tuy nhiên vẫn có một số sách nghiên cứu bởi các giáo sư nước ngoài, nhưng số lượng hạn hẹp nên cũng khá khó để đối chiếu các lý thuyết với nhau, bởi vì các lý thuyết trong ngành sáng tạo cũng mang rất nhiều tính chủ quan của người nghiên cứu.
EdLighten biết có nhiều bạn trẻ ở Việt Nam cũng đam mê ngành học làm phim nhưng phải từ bỏ giữa chừng vì lý do trên, vậy Nhân có thể chia sẻ làm cách nào để bạn vượt qua được những trở ngại này? Nhân đã sử dụng những nguồn lực nào (vd: con người, tài liệu, kênh học, v.v.) để giữ và theo đuổi đam mê của mình?
Nếu nói các bạn bỏ ngành vì thiếu tài liệu học tập hay chương trình học ở trường không hay thì cũng không đúng. Đa số các bạn bỏ ngành thường sẽ là vì hết đam mê, có cơ hội kiếm tiền khác tốt hơn hoặc vỡ mộng vì khi nhận thấy thực tế điều kiện làm việc, môi trường, văn hoá mà các bạn tiếp xúc không như các bạn mong muốn.
Còn nếu các bạn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các tài liệu tự học thì đầu tiên là hãy học tiếng Anh, vì nguồn tài liệu nước ngoài chất lượng hơn rất nhiều.
Nguồn: Nhân cho EdLighten
Các bạn có thể tìm đọc các quyển sách được coi là sách giáo khoa cho ngành phim:
- Save the cat - lý thuyết kịch bản được dạy nhiều nhất trong các trường đại học quốc tế
- Screenplay (Syd Field) - một góc nhìn thực tế hơn về tư duy biên kịch, và cũng bàn về văn hoá, cuộc sống của writer Hollywood
- In the Blink of an Eye - Đào sâu về tư duy dựng phim, các ảnh hưởng của công nghệ, tâm lý con người về việc dựng phim, góc nhìn cá nhân của editor lừng danh: Walter Murch
- Introduction to Documentaries (Bill Nichols) - được xem là sách giáo khoa cho việc hiểu nền tảng của phim tài liệu
- Documentary: A History of the Non-Fiction Film (Erik Barnouw) - sách nghiên cứu về lịch sử phim tài liệu từ lúc ngành điện ảnh vừa ra đời
Youtube cũng là 1 chỗ hay để tự học làm phim, hầu hết kiến thức cơ bản, cách dùng máy và phần mềm khi mới vào ngành đều có sẵn trên đó, nhưng sẽ gặp vấn đề là nguồn thông tin có thể không chính xác nếu người sáng tạo nội dung là người không hiểu sâu về vấn đề họ đang nói. Cho nên vẫn chỉ nên học những nguyên tắc cơ bản.
Ngoài ra, mình xem Netflix và Vimeo rất nhiều. Đó là 2 nguồn cảm hứng lớn nhất và uy tín nhất của mình, khi xem 1 phim tài liệu xong thì mình xem thêm phim hậu trường của của show đó, thường sẽ có trên Youtube hoặc Netflix luôn.
Nhưng văn hoá, thị trường làm phim ở VN sẽ có những thứ rất khác so với thế giới. Cách lấy kinh nghiệm nhanh nhất là tìm cơ hội đi làm những vị trí phụ việc trên các đoàn làm phim.
Để giữ đam mê thì mỗi người mỗi khác. Mình nghĩ rằng thực tế thì khi bạn có thể kiếm được tiền từ làm phim cũng là 1 cái quan trọng, sau đó là làm những dự án bạn thật sự thích, bỏ nhiều đam mê vào, thi một vài cuộc thi làm phim, thử nộp phim sang nước ngoài tranh giải, đặc biệt là hãy có 1 team, hội bạn bè, đồng nghiệp chung đam mê để tiếp lửa cho mình mỗi khi khó khăn, nản chí cũng là 1 điều quan trọng.
Nguồn: Nhân cho EdLighten
So với các thể loại phim khác, và các hình thức thông tin khác, phim tài liệu đã mang đến giá trị gì cho Nhân trong quá trình học và làm phim?
Việc làm phim tài liệu giúp mình nhận ra rằng sở trường của mình nằm ở việc kể lại câu chuyện của người khác. Đồng thời, nó giúp mình phát triển kỹ năng sắp xếp, rút gọn một khối lượng thông tin rất lớn và trình bày nó theo một cách dễ hiểu, dễ tiêu hoá.
Phim tài liệu cũng đã nâng cao chất lượng cuộc sống mình: mình cảm thấy mình đang đóng một vai trò có ích cho xã hội, mỗi bộ phim là một chuyến nghiên cứu, chuyến đi học, đi tìm hiểu về một lĩnh vực mới.
Theo Nhân thì giá trị mà phim tài liệu truyền tải được gì cho người xem là gì? Và làm thế nào để đánh giá mức độ thành công của một phim tài liệu?
Giá trị nó đem lại là nhận thức về một thế giới rộng lớn. Mình được “sống tạm” trong cuộc đời của những người có thật ngoài kia. Được hiểu thêm về một vấn đề xã hội làm đau đầu các nhà khoa học, nhà nghiên cứu. Phim tài liệu làm ta nắm bắt được chúng ta đang nằm ở đâu trong dòng chảy thời gian, học hỏi từ lịch sử, từ những nơi xa, để có thể chọn bước đi tiếp theo của mình trong tương lai.
Đối với bản thân mình, mình đánh giá sự thành công của một bộ phim qua 3 tiêu chí:
- Sự đồng cảm từ khán giả;
- Sau khi xem xong, khán giả học được gì;
- Bộ phim đó đã ảnh hưởng được tới bao nhiêu người.
Thường những bộ phim hay có thể thỏa mãn được 2 hoặc 3 tiêu chí, còn những phim thật sự xuất sắc thì mới thoả mãn được cả 3 tiêu chí nói trên.
Nhân có chia sẻ rằng, phim tài liệu đôi khi “gieo một hạt giống” của sự tò mò cho người xem hay thậm chí có thể thay đổi một quan điểm sống của họ. Trong phim tài liệu “CƠ ĐỒ - Hành Trình Đi Tìm Những Đứa Trẻ - 100 Câu Chuyện Trẻ Em Việt Nam” kể về một bé sống ở An Giang, chỉ mới 9 tuổi đã biết phụ gia đình làm đường thốt nốt, có đoạn Phim Của Quạ quay lại nơi bé sống sau vài tháng và thấy bé cắp sách đến trường. Nhân có thể chia sẻ về cảm xúc của mình lúc nhìn thấy hình ảnh đó được không?
Đầu tiên là mình thấy đồng cảm. Vì trước khi nhìn thấy cô bé mặc đồng phục đi học, đối với mình, vùng đất Tri Tôn luôn là một nơi xa lạ, dù trên lãnh thổ Việt Nam nhưng mọi người giao tiếp bằng tiếng Khmer, và hoàn cảnh sống rất xa lạ với mình. Nhưng chính bộ đồ đồng phục làm mình thấy có một phần tuổi thơ của mình cũng giống cô bé đó. Đồng thời, như những gì anh Trung có chia sẻ, nó cũng là một cảnh cửa mở ra thế giới bên ngoài căn chòi, bãi cỏ cháy và cây thốt nốt; là một tia hy vọng cho tương lai tươi sáng hơn.
Nhân có thể chia sẻ về những dự định cũng như hoài bão cho mảng phim tài liệu do Phim của Quạ sản xuất trong tương lai được không?
Mình luôn muốn Phim của Quạ trở thành một mô hình bền vững, cả về tinh thần lẫn vật chất thông qua những cách thức sau:
- Luôn hỗ trợ và báo giá ưu đãi cho những dự án mà chúng mình nhận định câu chuyện hay, có ý nghĩa cho cộng đồng nghệ thuật và xã hội;
- Hạn chế để các bạn trong nhóm làm việc ngoài giờ trong ngày quay;
- Mỗi năm chúng mình sẽ hỗ trợ từ 1-2 dự án phim đam mê từ các thành viên của nhóm và đối tác.
Mình muốn tạo ra một nhóm sản xuất có định hướng cao về việc kể lại những câu chuyện có thật, dành cho các khách hàng và cho cả những dự án cá nhân, cho dù nó là phim tài liệu hay giả tưởng. Phim của Quạ cũng muốn sẽ kết nối với các nhà văn, các bạn viết lách và đạo diễn có cùng đam mê với chất liệu này.
Hoài bão cá nhân thì mình muốn đầu tư sản xuất một phim tài liệu dài hoặc nhiều tập, xin tài trợ từ các quỹ và công chiếu trên các nền tảng nào có thể tiếp cận nhiều người xem nhất có thể, đồng thời là mang đi tham dự các giải làm phim trong nước và quốc tế.
Nếu có thể gửi một (hoặc vài) lời nhắn nhủ cho các bạn đam mê học làm phim ở Việt Nam, Nhân sẽ nói gì?
Cho dù bạn chọn theo học ngành phim, hay bạn học trái ngành nhưng có đam mê làm phim thì việc quan trọng nhất vẫn là tự học.
Vì theo mình, điện ảnh là bộ môn nghệ thuật vô cùng sôi động. Hàng năm, những phát minh, thiết bị, phần mềm mới đều ra đời liên tục nên việc luôn cập nhật kiến thức là bắt buộc.
Đồng thời, hãy tìm hiểu thêm kiến thức trong nhiều lĩnh vực khác sẽ giúp bạn có cái nhìn sâu hơn: nghệ thuật, hội hoạ, kiến trúc, văn học, lịch sử, khoa học, xã hội, v.v.
Và cuối cùng là hãy làm phim, làm phim dở trước, ai cũng đã từng làm phim dở để có được phim hay, đưa nó cho bạn bè mình xem, tự đánh giá khả năng, rút kinh nghiệm, cố gắng phim sau luôn hay hơn phim trước là cách duy nhất để phát triển bản thân.