Trò chuyện về Giáo dục giới tính toàn diện cùng WeGrowEdu
Bạn có bao giờ thắc mắc giáo dục giới tính (GDGT) được dạy ở Việt Nam như thế nào không? Hãy cùng EdLighten trò chuyện với Tú Nguyễn, giáo viên kỹ năng/chuyên gia hỗ trợ phát triển nội dung chương trình GDGT tại WegrowEdu để khám phá về dự án khởi nghiệp về GDGT toàn diện được vinh danh Top 10 Thương hiệu hàng đầu ASEAN 2023 này nhé!
Trò chuyện cùng EdLighten
29.10.2023
Bạn có bao giờ thắc mắc giáo dục giới tính (GDGT) được dạy ở Việt Nam như thế nào không? Bạn có nghĩ rằng ngày bé mình đã được học về GDGT một cách đầy đủ và toàn diện? Bạn có băn khoăn làm cách nào để truyền đạt kiến thức giới tính với các em nhỏ theo từng độ tuổi? Nếu bạn đã từng ‘chấm hỏi’ về những điều trên, đây có thể là bài viết dành cho bạn.
Tuần này, hãy cùng chúng mình trò chuyện với Tú và khám phá về WeGrow Edu, một dự án khởi nghiệp về GDGT toàn diện được vinh danh Top 10 Thương hiệu hàng đầu ASEAN 2023.
Chào Tú, bạn có thể giới thiệu về bản thân, công việc và những dự án của mình được không? 😉
Mình tên là Nguyễn Phương Tú, hiện tại mình đang là Nghiên cứu viên, thực hành và hoạt động về giáo dục và giới. Một số vị trí công việc, dự án mình đã và đang đảm nhận:
-
Nghiên cứu sinh tiến sĩ về giáo dục và giới tại Edge Hill University, UK;
-
Giảng viên Bộ môn Kỹ năng mềm tại Trường Đại học FPT, TP.HCM;
-
Công tác trong lĩnh vực tư vấn, nghiên cứu và giáo dục về giới và phát triển tại các tổ chức như: Tổ chức Di Cư Quốc tế của Liên hợp quốc (IOM-UN), Học viện GDGT WeGrow Edu (WE) Việt Nam và Tổ chức Thúc đẩy Bình đẳng giới Việt Nam (VOGE);
-
Thạc sĩ về Giáo dục, Giới và Phát triển quốc tế tại Đại học University College London (UCL) theo chương trình Học bổng Chính phủ Vương quốc Anh Chevening Awards; và
-
Học giả chương trình YSEALI Academic Fellowship 2018 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tại Đại học Brown University, USA.
Nguồn: Tú Nguyễn cho EdLighten
WE là một trong những dự án hiếm hoi dũng cảm giúp học sinh và phụ huynh có cái nhìn toàn diện về GDGT nên EdLighten rất muốn đào sâu suy nghĩ của Tú. Tú có thể chia sẻ chi tiết những vấn đề mà WE giải quyết cũng như mục đích mà Tú muốn hướng đến trong GDGT?
Đối với mình thì các vấn đề mà WE muốn giải quyết bao gồm: (1) tình trạng bất bình đẳng giới và phân biệt đối xử trên cơ sở giới-tính dục; (2) sự hạn chế về không gian và cơ hội để tìm hiểu, thảo luận nhằm tăng cường hiểu biết về các vấn đề liên quan đến sức khỏe, giới tính-tình dục và các mối quan hệ; (3) việc thiếu một cộng đồng gắn kết giữa các bạn trẻ, gia đình và nhà trường để tăng cường sự thấu hiểu, tôn trọng và giúp các bạn trẻ trưởng thành hạnh phúc.
Nguồn: Tú Nguyễn cho EdLighten
Để tiếp cận các vấn đề này thì nhóm mình cố gắng thực hiện câu chuyện GDGT toàn diện cho các bạn trẻ, phụ huynh và nhà trường để mọi người đều có cơ hội phát triển và sống một cách hạnh phúc trên các khía cạnh như sức khỏe thể chất, tâm lý tinh thần, các mối quan hệ, v.v. Bởi nếu mình nhìn GDGT một cách rộng rãi hơn thì giới tính không phải chỉ là chuyện an toàn tình dục hay là việc bảo vệ bản thân khỏi các nguy cơ xâm hại, GDGT là những câu chuyện về phẩm chất, về giá trị trước khi chúng ta nói đến câu chuyện kỹ năng hay là kiến thức. Ví dụ trước khi nói về việc sử dụng bao cao su đúng cách, chúng ta cần thảo luận về sự tử tế, tôn trọng, đa dạng, về sự an toàn về cảm giác quan tâm lẫn nhau trong một mối quan hệ. Đấy là những nền tảng về mặt giá trị và phẩm chất giúp chúng ta đi được đến những kiến thức và kỹ năng GDGT.
Được biết WE áp dụng khung GDGT toàn diện của UNESCO vào chương trình giáo dục của học viện. Tú có thể chia sẻ sâu hơn về nội dung và cách thức áp dụng của khung GDGT này tại WE được không?
Khung GDGT toàn diện của UNESCO hướng đến việc nhìn nhận GDGT không chỉ bó hẹp trong việc nói về kiến thức / kỹ năng tình dục an toàn và sức khỏe sinh sản mà mở rộng ra trải nghiệm giới và giới tính trong rất nhiều khía cạnh sống, bao gồm quyền, phẩm chất, và giá trị của mỗi cá nhân và cả cộng đồng. Để truyền tải khung GDGT này, đội ngũ WE sẽ dựa theo kinh nghiệm chuyên môn để tự phát triển phương pháp giáo dục riêng. Chúng mình áp dụng việc học qua trải nghiệm (trò chơi, tình huống giả định, kịch tương tác...) nhằm giúp học sinh chủ động tham gia vào lớp học, nhìn thấy các kiến thức được áp dụng vào bối cảnh thực tế và thực hành chúng. Ví dụ thông qua trải nghiệm kịch tương tác, học sinh sẽ theo dõi câu chuyện của một nhân vật LGBT+ và được quyền chọn hành động mà nhân vật sẽ làm; hành động được chọn sẽ dẫn đến một số kết quả và tình huống để học sinh thảo luận, nêu ý kiến, suy ngẫm về trải nghiệm giới-tính dục. Từ sự đặt mình vào góc nhìn của người khác đó, học sinh sẽ có thêm hiểu biết, lòng thấu cảm và nhìn nhận về sự đa dạng tính dục, tầm quan trọng của việc tôn trọng đa dạng và ứng xử với định kiến.
Nguồn: Khung GDGT toàn diện của UNESCO
Tú đã bao giờ gặp tình huống khó xử trong lớp học chưa và đó là gì? Tú đã làm cách nào để vượt qua ‘chướng ngại vật’ này?
Trên lớp học có rất nhiều tình huống khó xử đã xảy ra có thể đến từ phụ huynh, thầy cô, hay các bạn học sinh. Mình nghĩ chúng đều là những tình huống khó để giải quyết. Ví dụ như có thể phụ huynh từ chối lắng nghe những thông tin từ thầy cô, học sinh gặp các vấn đề về mặt cảm xúc hoặc là có những mâu thuẫn xảy ra trong lớp học. Mỗi một trải nghiệm đều là một cơ hội để mình học và nhìn ra có cách nào để mình làm tốt hơn không, hoặc là có một góc nhìn nào đấy mà mình chưa kịp nhìn không.
Có những tình huống khó xử giúp mình nhận ra phải thay đổi nội dung, phương pháp học tập. Ví dụ như trong một tiết học về tình dục an toàn, có một bạn học sinh đã cảm thấy rất khó chịu khi nói đến vấn đề bao cao su. Khi trao đổi kỹ hơn với bạn ý, mình nhận ra là bạn không đồng tình với việc chỉ nói về bao cao su khi thảo luận an toàn tình dục, vì nó không liên hệ gì đến trải nghiệm của bạn (một người đồng tính nữ). Điều ấy khiến chúng mình phải thay đổi lại chương trình giảng dạy của WE để khi nói về an toàn tình dục thì mình nói được những câu chuyện bao quát hơn, đảm bảo rằng mình chạm được đến nhu cầu, tiếng nói và vấn đề của đa dạng nhóm, trong đó có nhóm thiểu số.
Kỷ niệm nào đáng nhớ nhất Tú có từ WE?
Mình có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ với WE, phần lớn đều gắn liền với các em học sinh, các thầy cô và tình cảm mà mọi người dành cho nhau. Mình nhớ những tiết học để mọi người bày tỏ lời cảm ơn hoặc những điều ý nghĩa mà mọi người học được trong hành trình, hay chia sẻ về một người bạn mà mọi người đã tìm thấy ở trong lớp học. Mình nghĩ đấy là một cơ hội rất tốt để các bạn tìm thấy được một không gian đủ thân mật, gần gũi và an toàn để cùng lớn lên, cùng chiêm nghiệm về những vấn đề cá nhân.
Bản thân mình cũng may mắn nhận được những tình cảm rất đáng quý từ các bạn học sinh. Theo thời gian mình được quan sát các bạn lớn lên, thấy các bạn bước chân vào giảng đường đại học hay có những lựa chọn sống vượt qua định kiến, rào cản rất đáng tự hào. Sự trưởng thành của các bạn và việc mình được quan sát, ở cạnh các bạn trong hành trình trưởng thành khiến mình cảm thấy rất xúc động. Mình nhìn thấy ý nghĩa của công việc giáo dục mình đang đảm nhiệm, và nó góp phần giảm đi những rào cản, định kiến về giới và giới tính trong xã hội.
Nếu có thể gửi một thông điệp đến các nhà giáo dục và quý phụ huynh, Tú sẽ nhắn nhủ điều gì?
Mình mong thầy cô và quý phụ huynh sẽ tôn trọng và lắng nghe suy nghĩ của các bạn trẻ nhiều hơn để có thể đồng hành cùng các bạn học tập, thay đổi, và lớn lên trong quá trình đi tìm bản thân.
__________________________________________
Website WeGrow Edu: https://www.wegrow.edu.vn/
Sinh viên khởi nghiệp bằng dự án giáo dục giới tính: https://vnexpress.net/sinh-vien-khoi-nghiep-bang-du-an-giao-duc-gioi-tinh-4084054.html
Khung GDGT toàn diện của UNESCO: https://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/pf0000373308