Ước muốn vay mượn

Câu chuyện muốn đạt được một điều gì đó vì mọi người đều coi trọng nó, vì đó là thước đo thành công hay cột mốc cần có trong cuộc sống không còn quá xa lạ với chúng ta. Thế nhưng liệu bạn có nghĩ mình đang vay mượn những ước muốn từ "mọi người"? Hay nói cách khác, bạn có thực sự muốn điều mà bạn nghĩ mình đang muốn hay không?

Mimetic desires in Vietnamese
Chủ đề

Giáo dục cá nhân

Viết bởi

Châu

Ngày đăng

20.4.2023

“Con người có thể làm những điều mong muốn, nhưng không thể chọn lựa những mong muốn của mình.” - Arthur Schopenhauer

“Em nói mục tiêu học Thạc sĩ là có bài báo khoa học được không?”

Câu hỏi này đã mở ra một cuộc đối thoại giữa mình và em về ước muốn cá nhân. Càng nghe em kể, mình càng nhớ lại trải nghiệm hồi mình còn học ở Hồng Kông. Lúc đó mình cũng nghe mọi người bảo thế: thành tích là cái để đánh giá nỗ lực và quá trình phát triển của bản thân. Người ta rỉ tai nhau niềm tin đó. Mọi người đều muốn có thành tựu để làm bằng chứng khi nộp đơn đi du học, nộp hồ sơ xin việc, trang trí CV để bản thân không thua kém người khác. Cuộc chạy đua thành tích là cuộc đua của xã hội, của mình, của bạn và của rất nhiều người khác nữa.

Còn nhớ lúc mình nộp đơn học cao học, trong tay chưa có bài báo nào được xuất bản. Lúc đó thầy hướng dẫn đề tài tốt nghiệp đã khuyên mình để tên luận án tốt nghiệp vào CV rồi đề trạng thái draft in progress (tạm dịch là: bản nháp đang được chuẩn bị). Mình nghe thế cũng ghi vào, gửi CV đi khắp chỗ. Nhưng mình luôn tự hỏi chẳng phải việc làm này đã đi xa hoàn toàn mục tiêu làm nghiên cứu. Chẳng phải bài báo là phương tiện để trình bày một vấn đề thực sự quan trọng cần được mọi người biết đến, và là công trình mà nhóm nghiên cứu dồn tâm sức để tìm hiểu hay sao? Vậy việc để tựa đề bài báo nào đó nhưng nó thực sự chưa (và có lẽ sẽ không) được xuất bản như cách mình đã làm có lẽ chỉ để đánh bóng CV thay vì để công bố một ý tưởng đã được chứng minh bằng phương pháp khoa học?

Ước muốn xuất phát từ vòng tròn xã hội

Quay lại câu chuyện của em, mình tự hỏi liệu em có thực sự biết mình muốn gì từ việc học Thạc sĩ hay không?

Lúc nói chuyện với em xong, mình chợt nghĩ tới khái niệm Mimetic Desires (tạm dịch: ước muốn vay mượn) đọc được trong cuốn sách Wanting của tác giả Luke Burgis. Sách thảo luận về một học thuyết mà nhà triết học người Pháp René Girard đưa ra nhằm lập luận rằng ước muốn của chúng ta vốn dĩ được hình thành dựa trên ước muốn của vòng tròn xã hội mà chúng ta được tiếp xúc. Khi quan sát mục tiêu của chính mình, bạn có nhận ra rằng phần lớn những điều mà bạn đang theo đuổi đều là do nghe được hoặc biết đến từ một ai đó. Lúc còn đi học, bạn muốn đạt điểm cao hay thi đậu vào trường đại học danh tiếng. Khi đã tốt nghiệp, bạn cạnh tranh để có việc làm tại những công ty có tên tuổi. Đến lúc đi làm được vài năm, bạn lại phấn đấu để được tăng lương hoặc thăng chức trong công ty. Dần dà bạn nghĩ đến việc mua nhà, mua xe cùng ước muốn có được địa vị hay được trọng vọng trong xã hội. Tất cả những mục tiêu này được tạo dựng từ những thước đo của xã hội. Và bạn bỏ chúng vào danh sách của chính mình, hoàn thành từng mục một trong những năm tháng tuổi trẻ. Nhưng sự vội vã ấy có lẽ đã tước mất đi câu hỏi quan trọng nhất: Liệu bạn có theo đuổi cái mà mình thực sự mong muốn?

Khi đề cập tới Mimetic Desires, Girard cho rằng về bản chất, con người không thực sự biết mình muốn gì. Vì vậy mà chúng ta thường dựa vào người khác để xác định ước muốn của mình. Điều này tạo ra sự cạnh tranh và áp lực rất lớn trong xã hội, đặc biệt là trong thế giới phẳng hiện nay. Qua mạng xã hội, bạn dễ dàng thấy được tất cả ước muốn và thành tựu không chỉ của vòng tròn xã hội của bạn mà của hầu hết tất cả mọi người trên thế giới. Guồng quay của ước muốn, của tham vọng, cứ thế tiếp diễn, với một tốc độ mà bạn sẽ khó có thể kiểm soát hay đuổi theo kịp.

🔒 Từ bỏ sự "vay mượn"

Đọc tới đây có lẽ bạn đang thầm nghĩ việc đào sâu vấn đề ước muốn đã làm mình trở nên quá bi quan. Nhưng khi nhìn lại hành trình đã đi qua, chính suy nghĩ này thực chất giúp mình định hướng cuộc sống và sự nghiệp rất nhiều trong những năm qua.

Lấy ví dụ từ cuộc khủng hoảng sự nghiệp đầu tiên mà mình gặp phải: từ bỏ ước mơ trở thành bác sĩ. Đây là một cú sốc rất lớn đối với mình khi bước sang tuổi 19. Mình đã dành suốt 7 năm trước đó để theo đuổi ước muốn này và nỗ lực để thi đậu vào trường Y. Nhưng khi nhận ra đây không thực sự là thứ mình muốn, mình đã cần đến 1 năm để buông bỏ nó. Để rồi chênh vênh suốt mấy năm đầu khi đi du học. Suốt khoảng thời gian đó, mình luôn tự hỏi bản thân sẽ học gì, làm gì tiếp theo đây? Nhưng vì mình không thực sự biết và cũng không thể chạy theo một ước muốn nào khác, mình không ngần ngại thử mọi thứ. Quyết định này đã cho mình sự tự do để nộp đơn cho bất kỳ cơ hội nào mà mình thấy thú vị. Trong 7 năm qua, nó đã mở ra cơ hội để mình bắt tay vào nghiên cứu đô thị hóa tại Hồng Kông và Hà Lan cũng như mối tương quan giữa sự phát triển của hai xã hội này. Nó cũng mở ra cho mình cơ hội thực tập tại một tổ chức giải quyết nạn đói học đường cho trẻ em ở Ấn Độ, dành 6 tháng làm tình nguyện tại UNICEF. Sau khi có những trải nghiệm đa dạng này, mình nhận ra giá trị và đóng góp của bản thân, đồng thời khám phá ra đam mê khoa học và nghiên cứu. Hơn hết, những trải nghiệm này đã và đang giúp mình mơ ước những thứ lớn lao hơn nữa. EdLighten chính là một trong số đó! Bài viết đầu tiên mà bạn đang đọc, ngay lúc này đây, chính là hạt giống mới mà mình bắt đầu gieo trên hành khám phá những ước muốn mà mình tin là thực sự của riêng mình.

Việc nhận ra bản chất của ước muốn là vay mượn sẽ giúp chúng ta chủ động hơn trong chính trải nghiệm của mình. Thay vì giới hạn bản thân, bạn có thể dấn thân làm những công việc nằm ngoài lĩnh vực của mình, hay theo đuổi một dự án hoặc ý tưởng có vẻ “điên rồ”. Bởi lẽ mỗi trải nghiệm càng khác với những trải nghiệm trước sẽ giúp bạn mở rộng vòng tròn xã hội, tiếp xúc với nhiều người và nhiều văn hóa khác nhau. Khi nhìn lại, bạn sẽ thấy ước mơ của mình được mở rộng. Quan trọng hơn hết, bạn sẽ thấu hiểu chính bản thân mình qua một thế giới quan đa màu hơn. Đối với mình, đây là cách hoàn hảo nhất để tìm đến mong muốn thực sự.